6 bí quyết giúp bạn chọn nghề phù hợp với chính mình
Ở vị trí nào, bạn cũng nên suy nghĩ về cơ hội phát triển bản thân. Đây mới là điểm quan trọng giúp bạn xây dựng
Sau khi rời khỏi giảng đường, tìm được một công việc ổn định đã là khó. Tuy nhiên, khi có nhiều lời mời về đầu quân cho những công ty khác nhau, quyết định lựa chọn nơi nào lại càng khó khăn hơn nữa. Bởi đó sẽ đặt nền móng đầu tiên trên con đường sự nghiệp của bạn. Quyết định đúng giúp bạn có được công việc phù hợp, phát huy sở trường của mình. Một khi thiếu sáng suốt, bạn dễ rơi vào tình trạng “lắm mối tối nằm không”.
Bởi vậy, bạn nên có những tiêu chí để đánh giá từng vị trí công việc, rồi quyết định xem nơi nào là phù hợp với bạn nhất:
1. Được thể hiện bản thân
Đây không phải là lúc để bạn lựa chọn theo ý người khác, chỉ để làm vui lòng bố mẹ hay thỏa mãn với ánh hào quang bên ngoài công ty danh tiếng đem đến. Đây là lúc bạn phải nhìn nhận nghiêm túc về năng lực, mong muốn của bản thân và cơ hội để phát triển mình. Nhu cầu và sở thích cá nhân nên được đặt lên hàng đầu bởi cuối cùng, chính bạn là người đương đầu với công việc, đầu tư thời gian và nỗ lực trên con đường bạn chọn. Nếu không có niềm say mê cá nhân, bạn khó lòng phát triển được, rất có thể, chỉ một thời gian ngắn sau đó, bạn lại đi tìm việc mới mà thôi.
2. Thu nhập và lợi ích
Hồi mới đi làm, mong muốn về mức thu nhập của bạn chỉ dừng ở mức độ vừa phải, đáp ứng nhu cầu cuộc sống thường nhật. Nhưng khi đã có kinh nghiệm và cuộc sống nhiều điều phải lo hơn, bạn nên nhìn nhận lại về mức lương cũng như lợi ích mình cần. Tất nhiên, thu nhập không phải là yếu tố quyết định mà phải đặt trong mối quan hệ với nhiều lợi ích khác như giờ giấc làm việc, giờ nghỉ, nghỉ phép, chế độ thưởng….
3. Trách nhiệm công việc
Dù thu nhập hấp dẫn thế nào, bạn cũng đừng vội vàng quyết định bởi thù lao luôn đi kèm với trách nhiệm công việc bạn phải gánh. Bởi vậy, bạn nên dành thêm thời gian để tìm hiểu những việc bạn sẽ làm, sẽ phải chịu trách nhiệm. Bạn cần xem những công việc đó có phù hợp với kỹ năng, kinh nghiệm bạn có hay không, liệu bạn có còn thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình bạn bè hay cứ cắm đầu tối ngày vào công việc? Khi đã thông suốt vấn đề này, bạn gần như nắm chắc đến 70% công việc phù hợp với mình.
4. Văn hóa công ty
Khi bạn đứng ngoài, có thể văn hóa doanh nghiệp không khiến bạn phải lưu tâm. Tuy nhiên, một khi quyết định vào làm việc, văn hóa công ty lại đóng vai trò quan trọng trong công việc cũng như đời sống của bạn. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu qua về văn hóa công ty, có thể qua những người quen hay đồng nghiệp cũ từng làm việc ở đó. Văn hóa công ty cũng thể hiện qua một số hoạt động ngoài giờ, tuyển dụng, phỏng vấn ứng viên mà bạn có thể tìm hiểu qua website công ty. Một khi có những phản ánh không mấy tích cực về văn hóa công ty đó, bạn càng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn. –
5. Cơ hội phát triển
Ở vị trí nào, bạn cũng nên suy nghĩ về cơ hội phát triển bản thân. Đây mới là điểm quan trọng giúp bạn xây dựng sự nghiệp bền vững, lâu dài. Vì thế, khi xem xét một ví trí, bạn nên để ý đến cơ hội này, xem liệu công việc đó có thể giúp bạn trải nghiệm, học hỏi thêm nhiều điều chưa biết, có được tham gia các khóa đào tạo nâng cao kinh nghiệm, năng lực bản thân và quan trọng hơn là sự thăng tiến. Một chút lợi ích trước mắt không thể hứa hẹn với bạn điều gì nếu ngay cả bản thân bạn cũng không nhìn thấy cơ hội của mình.
6. Năng lực của sếp
Sếp luôn là một nhân vật quan trọng quyết định tới sự thành bại của bạn trên con đường sự nghiệp. Một vị sếp có tài, biết trân trọng người tài, biết lắng nghe ý kiến mọi người, kể cả những góp ý trái chiều của cấp dưới… là người bạn có thể tin cậy được. Nếu bạn thấy có thể chia sẻ mọi chuyện trong công việc với sếp, học hỏi nhiều điều từ con người này thì có thể yên tâm. Còn khi bạn cảm thấy sếp quá dè dặt, phòng xa nhưng lại muốn quản lý bạn một cách gắt gao thì nên suy nghĩ lại. Với vị sếp như thế, bạn khó lòng để tiến xa hơn.
Leave a Reply